TRANG BỊ QUÝ NHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ KHIÊM TỐN VÀ GIẢN DỊ

Lời nhận xét ấy rất đúng với cô - người giáo viên tận tụy, tâm huyết với nghề được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh tin yêu, mà lại thật khiêm nhường trong cuộc sống xô bồ, hối hả của xã hội hiện nay.

  Cô là giáo viên Ngữ văn của trường THCS thị trấn Cao Thượng - Tân Yên. Vóc người nhỏ nhắn, nước da rám nắng, không chút son phấn, hằng ngày cô đến trường bằng chiếc xe đạp lắp đã cũ, trang phục gọn gàng, kín đáo. Mái tóc đen, mỏng, dài ngang lưng đã lốm đốm bạc  được cô  cặp gọn gàng bởi chiếc cặp ba lá . Vẻ bề ngoài đó của cô khiến nhiều người dễ ngộ nhận, tưởng cô chơi trội hay là sự cổ hủ, lạc hậu, già nua.

 

 

  

  Nhưng không! Ẩn sau vẻ giản dị kia là một tâm hồn thuần khiết, trẻ trung sôi nổi, mà cũng rất lạc quan. Cô vừa là đồng nghiệp lại vừa là người thầy, người truyền lửa trong chúng tôi.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục ở xã Tân Trung, Tân Yên cô hoàn toàn có thể chọn cho mình một nghề nghiệp tốt, ổn định. Vậy mà cô lại chọn cho mình cái nghề sư phạm “bỏ xó” ấy. Năm 1984, cô tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Ngô Gia Tự Hà Bắc.   Hào hứng, hồi hộp xen lẫn  lo âu của cô giáo trẻ, cô về nhận công tác tại trường THCS Tam Dị, Lục Nam. Với lòng nhiệt tình, phơi phới, tin yêu, cô đã gạt nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ qua một bên để yên tâm công tác, giảng dạy. Không cần giới thiệu, liệt kê về thành tích, chỉ  biết rằng, sau hai năm gắn bó với trường Tam Dị, cô chuyển về Tân Yên, học sinh đã lặn lội đạp xe từ Tam Dị - Lục Nam về Tân Trung thăm cô là đủ hiểu ấn tượng của học sinh về cô như thế nào. Và cho đến tận bây giờ, anh Hà Bách Thảo - học sinh lớp 6 của trường Tam Dị khi đó, hàng năm vẫn tìm về thăm cô.

  Từ 1984 đến nay, cô vẫn cần mẫn như con ong chăm chỉ, mang mật ngọt dâng cho đời. Hơn ba mươi năm công tác, cô đã làm việc ở nhiều trường với nhiều trách nhiệm khác nhau, biết bao là khó khăn, thử thách, thành  công nhiều mà thất bại cũng đã có lần gõ cửa. Nhưng chưa bao giờ cô phàn nàn hay có tư tưởng chán nghề. Mà trái lại, ở cô lòng nhiệt tình, tinh thần hăng say không khi nào vơi cạn. Lúc nào cô cũng tin yêu, tràn trề hi vọng. Cô vẫn thường bảo: dạy văn là dạy cách làm người. “Vậy nên cô có thể chậm tiết chứ không để chậm cuộc đời chúng tôi” (Nguyễn Hương Ly, lớp 7A, năm học 2016-2017) ... Với mỗi giáo viên, chất lượng dạy học luôn là áp lực, là vấn đề cấp thiết. 

 

 

  Nhưng với cô thì lại khác. Mục tiêu của cô không phải là điểm số mà là định hướng cho học sinh hình thành nhân cách. Cô vẫn thường nói với học sinh: “Các em có thể học chưa giỏi, nhưng nhất định phải là người tốt”. Trong bài giảng, cô thường lồng ghép, trò chuyện, tâm sự với học sinh, uốn nắn từ hành vi đến tư tưởng cho các em, gieo vào tâm hồn trong trắng, thơ ngây của các em tình yêu thương, niềm tin về cuộc sống. Bởi thế nên giờ văn của cô không quá căng thẳng. Học sinh không những không sợ học môn văn mà còn rất hăng hái, mạnh dạn, có em còn biết làm thơ. Đã có rất nhiều em đã ghi lại cảm xúc của mình khi được học cô:

… Và cô đến như tia nắng trong

Sưởi ấm con tim chìm sâu trong tuyệt vong

Và những lời khuyên thân thương lắng đọng

Cô dìu em lên sau cú vấp cuộc đời …

                                            (Dương Thị Thủy, 9A, năm học 2011-2012)

 

Chân  bước lên bờ, trái tim em ngoảnh lại.

Hẹn gặp cô, em hứa một ngày mai

Quay trở lại em sẽ là người tốt

Vì em biết trên đời này chỉ một

Tia nắng vàng sưởi ấm trái tim em ….

                                                    (Nguyễn Thị Nga, Lớp 9A, năm học 2012-2013)

 

… Lòng sông sâu con sào dài đo được

Lòng người lái đò sao đo được sự bao la …

(Dương Phương Anh,đồng đội toán năm học 2012-2013)

  • Được cô dạy là điều may mắn và niềm hạnh phúc lớn lao trong đời em.

                                                    (Nguyễn Thị Thu Trang, 9A, năm học 2011-2012)

“Em tự hào vì là học sinh của cô’’

 “Em cảm ơn cô, vì đã đến và làm cô giáo của chúng em.’’

  “Cô là cô giáo tốt nhất mà em từng gặp.”

    “Cô là cô giáo lạ nhất mà em từng thấy.”

                                (Nguyễn Hương Ly, lớp 7A, năm học 2016-2017)

 

  Có lẽ khi viết về cô chúng tôi không thể không kể đến buổi lễ “Tri ân người thầy đầu tiên” mà cô đứng ra tổ chức cho học sinh lớp  9A năm học 2013-2014. Năm đó, cô dạy Ngữ văn 9A. Cô đã lồng ghép, tích hợp chủ đề tôn sư trọng đạo vào môn học cho các em. Khoảng cuối tháng mười, cô phát động cuộc thi viết "Thư gửi người thầy đầu tiên của em". Cô cũng định hướng cho các em học sinh: người thầy đầu tiên không hẳn là người thầy trên bục giảng, mà có thể là người bên cạnh chúng ta, chỉ dạy ta những điều cơ bản nhất của cuộc đời. Các em cứ mạnh dạn viết về những gì mà mình cảm nhận được và nhất định phải thật chân thành, thiện chí. Những tình cảm đó của các em sẽ được gửi trực tiếp tới người thầy của mình. Thế là học sinh hào hứng vào cuộc. Cô không đứng ngoài mà cũng hối hả cùng học trò.... Và đến 20/11 năm ấy, không phải là Hiến chương dành cho cô. Mà là một buổi lễ tri ân cho những người thầy đầu tiên của học sinh lớp 9A. Khách mời của buổi lễ hôm đó chính những người thầy đầu tiên mà các em viết trong bài. Trong số đó có rất nhiều người chính là phụ huynh của các em, chưa từng một lần đứng trên bục giảng. Họ rất xúc động về vị trí đặc biệt của mình. Trong buổi lễ, cô dành thời gian để giới thiệu về bài viết của các em. Có những bài viết rất sâu sắc, lắng đọng như bài viết của em Khánh Hưng, em Quyên, em Tuấn...Khách mời được nghe bài viết về mình với những tình cảm chân thành của tác giả tí hon đã không giấu nổi niềm xúc động. Có những nụ cười xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc của phụ huynh.

 

Trích bài viết của em Đồng Khánh Hưng

                       Trích bài viết của em: Nguyễn Thị Thanh Xuân

   Trong buổi lễ hôm ấy, có một vị khách mời thật đặc biệt. Đó là bà nội - phụ huynh của em Dương, đồng thời cũng là mẹ của cô. Cô cũng như trò, đã dành tặng phụ huynh của mình những món quà đặc biệt. Và đây là vần thơ  mà cô viết dành tặng mẹ - người thầy đầu tiên của mình:

Mỗi ngày qua tóc mẹ thêm sợi trắng

Sức mẹ mờ dần như tia nắng chiều hôm

Mẹ ơi nơi sau thẳm tâm hồn

Chúng con mong mẹ đừng thêm tuổi nữa.

Dáng nhanh nhẹn ra vào bên cửa

Miệng cười vui khi chúng con về

Gần trọn cuộc đời mẹ gắn với đồng quê

Chạy ngược chạy xuôi vì đàn con tất cả.

  Giờ đây, khi tuổi ngoại ngũ tuần mà nhiệt huyết trong cô không hề vơi giảm. Cô vẫn say sưa với công việc của mình. Cô bảo: “Nếu có một điều ước, cô chỉ ước mình trẻ lại thêm vài tuổi, để được làm việc được cống hiến nhiều hơn, cô chỉ sợ mình không đủ sức khỏe để làm việc.” Hằng ngày, bên cạnh việc giảng dạy, cô còn là người tuyên truyền văn hóa đọc. Mỗi khi đến trường cô đều mang theo sách để đọc những lúc trống tiết. Những cuốn sách cô chọn thường là: Trong gia đình, Người mẹ tốt hơn người thầy tốt, Những tấm lòng cao cả... Và cô sẵn sàng cho bất cứ ai mượn sách để đọc. Có lúc, giờ ra chơi mà học trò cũng vây quanh cô nghe đọc sách, để hỏi về những điều mà chúng còn băn khoăn chưa hiểu. Cô lại vui vẻ giảng giải cặn kẽ cho các em.

 

 

Lượt xem: 13.056
Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 3
Hôm qua : 1
Tháng 04 : 57
Năm 2024 : 704